Đắp móng bột sao cho đẹp

Đắp móng đã trở thành xu thế làm đẹp. Mỗi ngón tay có móng đẹp chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật nhờ những gam màu hồng, đen, ánh bạc… hay chi tiết hạt nhũ, hạt cườm và những hình vẽ khéo léo.

Các kiểu đắp móng

Tùy vào đặc điểm của móng tay, móng chân và nhu cầu làm đẹp, bạn gái có thể chọn các dịch vụ sau:

Đắp móng bột: Cách làm này thích hợp với những người có bề mặt móng tay và móng chân không phẳng, bị nứt đầu móng hay móng bị hư, bầm tím. Có ưu điểm là thời gian thực hiện khá nhanh, giá thành tương đối rẻ nhưng đắp bột tất nhiên làm cho móng hơi dày lên, do vậy móng rất khỏe, cứng,  và bắt buộc phải dùng sơn móng để tạo vẻ đẹp tự nhiên.

Đắp móng gel: Là kỹ thuật hiện đại và được ưa chuộng nhất hiện nay vì móng mỏng và bóng, hơn nữa, đôi khi  không cần sơn, cứ để trắng tự nhiên hoặc nguyên mầu gel mà nét đẹp vẫn rõ ràng. Bạn có thể sơn gel lên móng thật hoặc nối móng sau đó sơn gel hoặc phủ bề mặt mòng bằng builder gel.

Đắp móng lụa: Thích hợp với các loại móng tay yếu, dễ gãy. Đây là cách nối dài các móng tay bị gãy bằng móng giả. Móng lụa khi hoàn tất có ưu điểm trông rất tự nhiên, bóng đẹp, chắc chắn nhưng phải dùng sơn màu để xóa vết nối và mất nhiều thời gian khi thực hiện.

Một số lưu ý khi thực hiện đắp móng

Để tránh bị lift (cách gọi của hiện tượng móng bột làm xong bị hở, bột đắp không gắn chặt vào móng), cần thực hiện tốt những bước sau:

– Chà mặt móng (bào sần)để tạo độ nhám, giúp móng sạch, khô, không còn tế bào chết trên bề mặt.

– Khi đắp móng, tránh để móng giả bị hở  (do đắp bột không đúng kỹ thuật, do gắn móng giả hay dán keo không đúng cách), không để bột dính lên da và giũa chỗ nối nhẵn mịn.

– Có chế độ bảo quản bột tốt (nếu không, bột sẽ bị khô, hoặc ướt).  Mùa đông cho vô máy sấy, mùa hè cho vô tủ lạnh

– Đắp bột các vùng chân móng hai bên móng và đầu móng thật mỏng để không bị lift và tạo tính tự nhiên cho móng.

– Sau khi đắp bột, giũa tạo dáng cho móng nhẵn, mịn, cong đều, không lồi lõm (tùy hình thức đắp bột mà chọn giũa mặt nhám mịn hay trung bình).

Chế độ chăm sóc móng

Khi sơn móng và đắp móng giả phải để móng có thời gian nghỉ, tránh làm liên tục, lâu ngày sẽ gây thoái hóa móng. Không nên dùng đồ sắc cạnh để lấy những chất bẩn trong móng vì dễ gây nhiễm trùng. Chỉ nên lấy bàn chải mềm chải nhẹ với xà bông để làm sạch móng.

Ngâm móng tay vào nước có dầu ôliu mỗi tuần một lần để giúp móng chắc khỏe hơn hay thoa dầu ôliu trực tiếp lên móng vì dầu này có công dụng dưỡng móng.

Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng vitamin B1, B7, B12, canxi (có trong men bia, hạt ngũ cốc, bơ sữa) và các vi lượng cần thiết khác như sắt, kẽm, lưu huỳnh để tránh gây rối loạn dinh dưỡng móng.

Khi móng có những biểu hiện bất thường như có những đốm trắng hoặc một đường ngang trắng (thường gặp ở những chấn thương vùng móng), bị biến đổi màu sắc (đục), tăng sừng (có những vẩy ở vùng móng, thường gặp trong bệnh lý nấm móng, vẩy nến móng) thì cần đến bác sĩ da liễu để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

Sưu tầm